Polyp túi mật là một bệnh đường mật khá phổ biến. Trong khi hầu hết trường hợp polyp túi mật không có gì đáng lo ngại do đa số là lành tính, chỉ có một số ít (khoảng 8%) có thể tiến triển thành ung thư. Hiểu rõ về nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị polyp túi mật sẽ giúp bạn hạn chế được những yếu tố nguy cơ  và có thể sống khỏe với căn bệnh này.

Polyp túi mật là gì?

Polyp túi mật là sự phát triển hoặc tổn thương hình thành bên trong niêm mạc túi mật. Đây là những tổ chức giả u hoặc u thật. Kích thước polyp túi mật thường là giá trị tiên đoán polyp có chuyển thành ác tính hay không. Với những polyp có kích thước nhỏ hơn 10mm thì đa số là lành tính.

Hình ảnh polyp túi mật

Hình ảnh polyp túi mật

Phân loại polyp túi mật

Trên lâm sàng thường gặp các loại polyp túi mật sau:

Polyp cholesterol

Chiếm tỷ lệ 60-90% các trường hợp mắc polyp túi mật. Có kích thước nhỏ hơn 10mm, số lượng nhiều, không gây triệu chứng, không chuyển biến ác tính. Nguyên nhân hình thành thường liên quan đến rối loạn chuyển hóa cholesterol.

Polyp tuyến (Adenomatous polyps)

Là những u biểu mô lành tính có nguy cơ chuyển thành ác tính. Polyp tuyến bao gồm: u tuyến nhú (có cuống, cấu trúc phức tạp, xâm nhập sâu vào thành niêm mạc túi mật), u tuyến ống (cấu trúc bằng phẳng, không cuống). Nguy cơ tiến triển thành ung thư tùy thuộc vào kích thước polyp. Một số nghiên cứu cho thấy tỷ lệ mắc ung thư là 6% nếu polyp có kích thước < 10mm và tỷ lệ này tăng lên đến gần 40% ở những polyp có kích thước từ 10 - 20 mm.

Polyp viêm

Chiếm khoảng 10% các polyp túi mật. Có kích thước nhỏ hơn 10mm, thường liên quan đến viêm túi mật mãn tính.

U cơ tuyến túi mật (Adenomyomatosis)

Thường là lành tính, phát triển do sự bất thường của lớp niêm mạc, sự phì đại của lớp cơ và hình thành nên các túi hõm sâu vào lớp cơ dày của thành túi mật, được gọi là các xoang Rokitansky – Aschoff. Có 3 dạng trên lâm sàng: khu trú, phân đoạn và toàn thể. Trong đó phổ biến nhất là dạng khu trú.

Ngoài ra, có những tổn thương lành tính khác nhưng rất hiếm gặp ở túi mật như: u xơ, u cơ, u mỡ, u tế bào hạt, các mô dị hình,…

Polyp túi mật có thể chỉ có một hoặc nhiều trong túi mật. Khi có 2 polyp, được gọi là đa polyp túi mật thường sẽ nguy hiểm hơn so với polyp đơn độc.

Các triệu chứng của polyp túi mật

Các triệu chứng của polyp túi mật thường mơ hồ, không đặc hiệu và trong nhiều trường hợp là không có triệu chứng. Nếu có triệu chứng thường là đau nhẹ vùng hạ sườn phải, đau không liên tục, chú ý phân biệt với các cơn đau dữ dội hơn do sỏi mật. Polyp túi mật cũng có thể gây nên chứng khó tiêu, đầy trướng, khó chịu tương tự như sỏi mật.

Polyp túi mật gây nên triệu chứng tương tự như sỏi mật

Polyp túi mật gây nên triệu chứng tương tự như sỏi mật

Nguyên nhân gây polyp túi mật

Cho tới hiện tại vẫn chưa thể xác định được rõ ràng nguyên nhân gây polyp túi mật. Một số giả thiết cho rằng polyp túi mật có thể liên quan đến các yếu tố như:

- Chế độ ăn thiếu khoa học, quá nhiều hoặc quá ít chất béo đều có thể gây nên những rối loạn chuyển hóa cholesterol.

- Tuổi tác cũng là một yếu tố nguy cơ gây polyp túi mật, đặc biệt ở những người lớn hơn 50 tuổi.

- Người có tiền sử mắc sỏi mật có nhiều khả năng mắc polyp túi mật.

Chẩn đoán polyp túi mật

Hiện nay với sự phát triển của các công cụ chẩn đoán hình ảnh, polyp túi mật có thể được phát hiện bằng: siêu âm, siêu âm nội soi, chụp cắt lớp vi tính (CT scan), chụp cộng hưởng từ MRI. Trong đó, siêu âm vẫn là phương pháp phổ biến nhất để chẩn đoán polyp túi mật do chi phí thấp . Tuy nhiên, siêu âm không thể phân biệt được đâu là polyp lành tính hay ác tính để có chỉ định điều trị phẫu thuật.

Những dấu hiệu cảnh báo polyp có tính chất ác tính bao gồm:

-Polyp có chân lan rộng, hình ảnh không đều đặn

- Polyp phát triển nhanh về kích thước và số lương (có thể tăng đến gấp 2-3 lần sau thời gian theo dõi từ 3 – 6 tháng).- Polyp gây ra triệu chứng.

Điều trị polyp túi mật như thế nào?

Dựa vào kích thước, số lượng và tiến triển nhanh hay chậm của polyp mà có các hướng điều trị phù hợp như điều trị bảo tồn túi mật (theo dõi, thay đổi lối sống,…) hoặc phẫu thuật cắt túi mật. Phương pháp điều trị polyp túi mật bao gồm:

Theo dõi tiến triển bệnh

Polyp có kích thước nhỏ hơn 10mm thường lành tính và không cần điều trị can thiệp nhưng cần định kỳ tái khám sau 3 - 6 tháng.

Phẫu thuật cắt túi mật

Phương pháp này thường được chỉ định khi nghi ngờ polyp túi mật tiến triển ác tính. Cắt túi mật có thể thực hiện được bằng 2 phương pháp: nội soi hoặc mổ hở. Trong đó, phẫu thuật nội soi cắt túi mật là kỹ thuật ít xâm lấn, ít gây đau và người bệnh hồi phục nhanh hơn.

Cần phải cắt túi mật khi polyp có nguy cơ tiến triển ung thư

Cần phải cắt túi mật khi polyp có nguy cơ tiến triển ung thư

Sử dụng các thảo dược truyền thống

Mặc dù trên thực tế không có cách nào làm tan hoặc biến mất polyp hoàn toàn, nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy sử dụng các thảo dược truyền thống như: Uất kim, Chi tử, Chỉ xác, Sài hồ, Hoàng bá, Nhân trần, Diệp hạ châu, Kim tiền thảo, có tác dụng tăng bài tiết dịch mật và vận động đường mật, kháng khuẩn, kháng viêm. Từ đó cải thiện các triệu chứng đau bụng, khó tiêu, đầy trướng do polyp túi mật gây ra và phòng ngừa nguy cơ polyp tiến triển thành ung thư.

Cách ngăn ngừa polyp túi mật phát triển bằng chế độ ăn uống

Một chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp bạn hạn chế được các yếu tố nguy cơ khiến polyp tiến triển. Sau đây là những điều bạn cần lưu ý:

- Hạn chế ăn thức ăn giàu chất béo động vật và cholesterol. Tốt nhất nên sử dụng các chất béo thực vật như dầu oliu, quả bơ, quả hạch,…

- Tránh nước uống có gas hoặc nhiều đường

- Ăn thịt nạc, thịt cá hoặc gia cầm thay cho các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt lợn,…

- Tham khảo ý kiến của bác sỹ về một chương trình ăn kiêng khoa học khi giảm cân, tránh nhịn ăn hoàn toàn và giảm cân quá nhanh.

Polyp túi mật tiến triển ác tính chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ nhưng rất nguy hiểm và thường khó phát hiện. Hãy chủ động ngăn ngừa sự phát triển của polyp bằng cách thay đổi lối sống, chế độ ăn uống và sử dụng  các sản phẩm hỗ trợ từ thảo dược.

Tham khảo:

http://symptomscausestreatment.com/gallbladder-polyps-symptoms-causes-treatment.html

http://emedicine.medscape.com/article/190364-overview

----------------------------------------------------------------------

Kim Đởm Khang Giúp làm mềm sạn sỏi và bài sỏi mật